Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết, việc làm chứng cho các giao dịch mua bán đất đai của luật sư trong bối cảnh thiếu hiểu biết pháp luật của người dân là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng.
Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản số 851 gửi Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sử tỉnh Đồng Nai với nội dung chấn chỉnh việc làm chứng thỏa thuận bán đất của luật sư.
Theo đó, nhận được một số yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc cung cấp thông tin của tổ chức hành nghề luật sư và đơn tố cáo liên quan đến các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai về việc xác nhận (làm chứng) tại hợp đồng giao dịch về đất đai.
Về việc này, Sở Tư pháp đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quán triệt đến các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có trách nhiệm nghiêm túc phối hợp, tạo điều kiện cung cấp hồ sơ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định pháp luật.
Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai chấn chỉnh việc làm chứng giao dịch đất đai của các luật sư thành viên. Ảnh minh họa
“Hiện nay, pháp luật không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất (xác nhận vào văn bản, giao dịch liên quan đến đất đai) của luật sư. Việc làm chứng cho các giao dịch nêu trên của luật sư trong bối cảnh thiếu hiểu biết pháp luật của người dân là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng”, Văn bản Sở Tư pháp Đồng Nai nêu rõ.
Thời gian vừa qua, hậu quả của nhiều trường hợp làm chứng (ký tên và đóng dấu mộc đỏ của luật sư) là một trong những nguyên nhân gây ra việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của người dân. Do đó, đề nghị Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai yêu cầu các luật sư thành viên hoạt động đúng phạm vi hành nghề theo quy định; đồng thời tuyên truyền và xử lý kỷ luật về đạo đức hành nghề đối các trường hợp làm chứng cho các thỏa thuận, giao dịch mua bán đất.
Ngoài ra, đề nghị Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai kịp thời giải quyết việc khiếu nại, tố cáo của người dân đối với luật sư thành viên do Sở Tư pháp chuyển đến, nghiêm chỉnh thực hiện việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp có vi phạm và thông tin kết quả giai quyết khiếu nại, tố cáo về Sở Tư pháp.
Theo tìm hiểu của PV, hồi tháng 8/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Rồng Đất do tự ý vẽ dự án Dự án Khu dân cư Tam Phước không có thật trên đất nông nghiệp ở TP. Biên Hòa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng.
Có một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này đó là để tạo niềm tin cho khách hàng, ngày 4/12/2019 Chính đến chi nhánh một văn phòng luật sư ở TP. Biên Hòa nhờ soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Văn phòng luật sư này đã soạn thảo 54 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khách hàng và Chính ký, lăn tay trên hợp đồng, và đại diện văn phòng luật sư ký tên đóng dấu với tư cách người làm chứng.
Hay như trường hợp ông N.T. (TP. Biên Hòa) chuyển nhượng cho bà G.L (Trảng Bom) 200m2 đất nông nghiệp. Hai bên làm hợp đồng chuyển nhượng và mang ra một văn phòng công chứng nhưng bị từ chối công chứng với lý do diện tích đất không đủ điều kiện giao dịch (từ 500m2 trở lên sau khi tách thửa).
Sau đó, 2 người này đến văn phòng luật sư cũng ở TP. Biên Hòa để nhờ luật sư ký xác nhận, đóng dấu mộc là người làm chứng cho giao dịch này để về sau lấy cơ sở chứng cứ khi xảy ra tranh chấp và tin tưởng việc xác nhận sẽ có tính pháp lý như công chứng, chứng thực.
Luật Luật sư quy định rõ, luật sư chỉ được thực hiện các giao dịch theo quy định pháp luật, còn công chứng, chứng thực không được làm. Đồng thời, Luật Đất đai cũng quy định, việc chuyển nhượng, tặng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký tại cơ quan đăng ký theo quy định.
Liên quan đến vấn đề làm chứng trong các giao dịch đất đai, trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho biết, với những trường hợp hồ sơ, giấy tờ không tuân thủ quy định pháp luật, khách hàng thiếu hiểu biết, còn luật sư mang dấu mộc ra để làm chứng cho khách hàng tin tưởng, phục vụ mục đích giao dịch thì sẽ phát sinh ra những hình thức chiếm dụng, vi phạm quy định của pháp luật. Những trường hợp này nếu như nằm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì luật sư là người có vai trò giúp sức, đồng phạm.
Tuy nhiên, theo Luật sư Phất, thực tế cùng phải tùy từng trường hợp cụ thể chứ không phải cứ làm chứng đất đai là vi phạm quy định pháp luật. Ví dụ như, với 2 người đang muốn giao dịch với nhau, hồ sơ hợp pháp thì chuyện khách hàng yêu cầu luật sư làm chứng cũng là điều bình thường.
“Ở đây, cơ quan Tư pháp cho biết là pháp luật không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất của luật sư chứ không phải là hành vi cấm không được làm”, Luật sư Phất nói và cho rằng, văn bản Sở Tư pháp đề cập thì tại địa phương này đang có hiện tượng phổ biến như vậy, nhằm giúp cho người dân cảnh tỉnh là cần thiết.
Saigon Realtor tổng hợp